Thứ Hai, 27 tháng 5, 2013

TUẦN THỨ 40

VƯỢT QUA SỢ HÃI ĐỂ VƯƠN TỚI ĐÍCH

      Nỗi sợ hãi chính là trở ngại lớn nhất của thành công. Thông thường, con người thường để sự sợ hãi chi phối mọi quyết định và hành động của mình. Với họ, an toàn vẫn là trên hết.
      Trong khi đó, người thành công lại không hề coi sợ hãi là điều to tát. Tư duy của họ chủ yếu dựa trên khả năng sáng tạo và hiệu suất lao động của mình. Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower đã từng phát biểu: "Anh vẫn có thể được an toàn ở mức tối đa ngay cả khi ở trong ngục tù, nếu đấy là tất cả những gì mà anh mong muốn ngoài cuộc sống của mình". Người thành công là những người sẵn sàng chấp nhận rủi ro khi lý trí mách bảo rằng rủi ro trong trường hợp này là cần thiết.
      Mỗi người trong chúng ta chắc hẳn cũng đã từng trải qua cảm giác sợ hãi. Nhưng sợ hãi là gì? Sợ hãi là một trạng thái có thể giúp ta bảo vệ cuộc sống của mình bằng cách cảnh báo cho ta mỗi khi đối diện với nguy hiểm. Do đó, đôi khi sợ hãi cũng là một điều tốt bởi nó giúp ta nâng cao cảnh giác và buộc ta phải cân nhắc, nghiên cứu kỹ tình hình trước khi quyết định hay hành động.
      Tuy nhiên, chúng ta cần biết cách khống chế nỗi sợ hãi thay vì để nó xâm chiếm mọi hoạt động của cơ thể. Một khi nỗi sợ hãi đã hoàn thành nhiệm vụ của nó với vai trò là một dấu hiệu cảnh báo, chúng ta nên tìm cách ngăn cản tâm lý sợ hãi thâm nhập vào tư duy logic của mình để có thể kịp thời hành động.
      Tổng thống Franklin Rootsevelt từng có câu nói nổi tiếng trong thời kỳ Đại khủng hoảng như sau: "Ngoài việc sợ hãi bản thân, con người chẳng biết sợ gì cả". Ngẫm ra cho đến ngày nay, câu nói này vẫn còn nguyên giá trị.
      Nhưng làm thế nào để có thể vượt qua được nỗi sợ hãi? Tốt nhất bạn nên thẳng thắn đối diện với vấn đề và tự hỏi mình: "Mình đang lo sợ điều gì?". Qua đó, bạn bắt đầu khởi động quy trình phân tích tình huống mà bạn đang gặp phải, để tìm ra lời giải đáp cho những trở ngại mà sợ hãi gây ra.
      Bước tiếp theo, bạn cần cân nhắc vấn đề từ nhiều khía cạnh khác nhau. Rủi ro trong vấn đề này là gì? Liệu có đáng để bạn chấp nhận rủi ro đó hay không? Bạn có thể hành động theo chiều hướng nào? Đâu là những khả năng có thể xảy ra? Bạn đã có đủ trong tay những dữ liệu cần thiết chưa? Những người khác khi gặp tình huống tương tự sẽ xử lý như thế nào? Và kết quả của vấn đề này sẽ là gì?
      Một khi bạn đã nghiên cứu tình hình một cách cẩn thận, hãy hành động ngay lập tức. Sự trì hoãn chỉ càng khiến bạn thêm nghi ngờ và sợ hãi mà thôi.
      Một nhà tâm lý học có tiếng nói rằng: Những ai ở một mình trong bóng tối và tưởng tượng về một tiếng động nào đó, họ thường để cảm giác sợ hãi xâm chiếm tâm hồn một cách nhanh chóng. Tất cả những gì họ nên làm chính là đặt một chân lên mặt đất. Nhờ thế, họ đã vượt qua được bước đầu tiên để kìm chế nỗi sợ hãi. Những ai theo đuổi sự thành công cần buộc bản thân phải bước những bước tiếp theo để chế ngự hoàn toàn nỗi sợ hãi và tiến tới đích.
      Nên nhớ rằng không ai có thể một mình đơn độc đi hết quãng đời còn lại. Một trong những điều làm ta yên tâm nhất - và cũng là những điều chân thực nhất - có thể tìm thấy trong Kinh thánh: "Đừng lo lắng, vì ta sẽ luôn song hành cùng các ngươi".
      Niềm tin tưởng vào câu nói đầy ý nghĩa này sẽ giúp bạn tăng thêm sức mạnh tinh thần để đối mặt với bất kỳ tình huống nào có thể xảy ra trong cuộc sống.

Trích từ "Bí quyết làm giàu của Napoleon Hill"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét